Trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ 2 đang diễn ra ác liệt, rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Lidice (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Lidice không còn một bóng người.
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 20/2/1990. Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) được tổ chức trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đến thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.
Cũng từ đó, hàng năm cứ đến Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác cũng luôn quan tâm dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.